Những bài thuốc dân gian chữa bệnh từ quả thị

Những bài thuốc dân gian chữa bệnh từ quả thị

Là thứ quà quê quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi độ thu về, ít ai biết rễ cây, quả và lá thị còn có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe.

Cây thị thuộc họ thị (Ebenaccae) rất gần gũi với người Việt, được trồng rải rác trong các vườn ở các vùng quê Bắc Bộ, nhất là ở đình chùa, miếu mạo để lấy quả. Quả thị có tên khoa học là Diospyros decandra Lour. Quả thị tròn, sắc vàng, mọng nước và thường chia thành 6 – 8 múi. Dù nhiều người cho rằng ăn quả không ngon vì có vị hơi ngọt, xen lẫn vị chát, nhưng chúng lại có mùi thơm phức nên mọi người thường mua thị về để thắp hương hoặc chơi chứ không ăn.

Theo Đông y, các bộ phận khác nhau của cây đều có thể sử dụng chế biến thành các vị thuốc (Ảnh: kimnganhoa.com)

Theo Tây y, vỏ quả thị chứa một ít tinh dầu gần giống mùi Amyl Valerianic ether. Theo kết quả phân tích của Peirier (1932), thịt quả có 86,2% nước; 0,16% chất béo; 0,67% chất protit; 12% gluxit; 0,33% tannin; 0,47% xenluloza; 0,50% tro.

Theo Đông y, các bộ phận khác nhau của cây đều có thể sử dụng bào chế thành các vị thuốc chữa các loại bệnh như sốt, ngộ độc, nôn mửa, táo bón. Lá thị thường được dùng để trị chứng táo bón, đầy bụng hoặc giã nát đắp vào chỗ mụn nhọt, hòa với rượu để chữa viêm tinh hoàn.

Ngoài ra các thành phần khác của cây như vỏ, hạt, rễ cũng được chế biến thành các vị thuốc. Rễ quả thường được thu hoạch nhiều vào mùa Đông phơi khô dùng dần trong năm. Vỏ quả được phơi khô để dùng dần làm thuốc. Quả và hạt thị không chỉ được người Việt Nam ưa chuộng sử dụng làm thuốc mà nó còn được ghi chép lại trong sử sách của Trung Quốc từ đời nhà Đường. Dưới đây là một vài bài thuốc dân gian trị bệnh từ các thành phần của cây và quả thị.

Theo Tây y, vỏ quả thị chứa một ít tinh dầu gần giống mùi Amyl Valerianic ether. (Ảnh: vietbao.vn)

Bài thuốc chữa bệnh từ cây và quả thị

1. Trị vết nám má: Bài thuốc Trị diện can phong: dùng quả thị sấy khô mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 quả, ăn thường xuyên có thể hỗ trợ loại bỏ các vết nám trên má hiệu quả.

2. Trị sốt nóng, ngộ độc, nôn mửa, mẩn ngứa lở loét: Rễ thị: 30 – 50g thái nhỏ, sắc với 400ml nước cô lại còn 100ml, thay nước uống ngày hai lần.

3. Chữa viêm tinh hoàn (thiên trụy): Lấy lá thị tươi giã nhỏ hòa với ít rượu rịt vào chỗ tinh hoàn đau, ngày 2 – 3 lần.

4. Chữa bỏng: Lấy lá thị phơi khô, giã nhỏ thành bột, tẩm nước rồi đắp vào nơi bị bỏng lửa.

5. Chữa dị ứng: Lấy lá thị 100g phối hợp với rễ cây ráy 50g thái nhỏ, phơi khô, nấu nước đến sôi, xông nơi bị dị ứng.

Rễ thường được thu hoạch nhiều vào mùa Đông phơi khô dùng dần trong năm (Ảnh: haiphongaz.com)

6. Chữa phù thũng: Lấy lá thị, lá đu đủ, lá lộc mại và lá trầu không, mỗi thứ 50g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, kết hợp lấy lá tươi của 4 thứ với lượng như trên, giã nhỏ, gói bằng lá chuối đã dùi nhiều lỗ thủng, nướng chín, rồi rịt vào rốn, băng lại.

7. Chữa giời leo: Lấy vỏ quả thị phơi khô, đốt thành than, hòa với dầu vừng hoặc mỡ lợn, bôi lên những vết phồng rộp chữa “giời leo” (một loại bệnh ngoài da).

8. Làm mụn nhọt chóng vỡ mủ: Lấy lá thị tươi giã nhỏ đắp vào nơi mụn nhọt băng rịt lại, ngày 1 – 2 lần.

Lưu ý khi ăn quả thị

Mặc dù đây là loại quả có tác dụng bổ máu, chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống lão hóa. Tuy nhiên, nếu ăn quả chưa chín và vào lúc đói có ảnh hưởng lớn tới dạ dày.

Không nên ăn thị chưa chín và vào lúc đói (Ảnh: kenhphunu.com)

Trong quả thị xanh có chứa nhiều tannin (chất chát), nên khi gặp acid trong dạ dày sẽ kết lại thành khối, cứng lại như đá không thể tiêu, dẫn đến tắc ruột và tạo thành sỏi dạ dày.

Không nên ăn nhiều loại quả này, vì chất chát trong quả sẽ làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột… Khi ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non.

Có thể bạn quan tâm:

 Công dụng của tía tô dưới góc nhìn khoa học

Công dụng của sâm đương quy dưới góc nhìn khoa học

Công dụng của lạc tiên dưới góc nhìn khoa học

Công dụng của dây thìa canh đối với bệnh tiểu đường dưới góc nhìn khoa học

Công dụng của atiso dưới góc nhìn khoa học

No Comments

Post A Comment